QUẢ BÁO CỦA VIỆC SÁT SINH

“Giết vài con vật nhỏ đưa đến quả báo đứt tay trầy chân hoặc bệnh hoạn vài trận. Giết thú lớn đưa đến quả báo tai nạn và bệnh hoạn nặng nề hơn nhiều. Còn giết rất nhiều thú vật mỗi ngày để kinh doanh thì không tránh khỏi quả báo địa ngục. Tuy nhiên, giết thú không nặng tội bằng giết người. Chúng ta không so sánh những trường hợp phải giết người trong một cuộc chiến đấu giữ gìn bờ cõi. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến trường hợp giết người vì ác tâm và những mục đích vị kỷ. Tội lỗi của hành vi này rất là nặng nề nghiêm trọng. Bản chất của chúng sinh, dù loài nào cũng đều ham sống sợ chết. Người tự tử cũng là người ham sống, họ tìm cái chết để tránh một cuộc sống quá đau khổ tuyệt vọng. Giết hại chúng sinh tức là gây cho chúng sinh một sự đau đớn về thân và một sự tuyệt vọng khi lòng ham sống bị xâm phạm. Hơn nữa, cái chết của một chúng sinh luôn luôn đồng nghĩa với sự biệt ly thân quyến. Một người cha mất đi cũng có nghĩa là vợ con ở lại rơi vào túng quẩn nghèo đói. Một người mẹ mất đi cũng có nghĩa là những đứa con còn lại sắp phải chịu cảnh bơ vơ, không có bàn tay dịu dàng chăm sóc của me - thảm kịch muôn đời của nhân loại.
Những kẻ quen tay giết hại thú vật nhỏ sẽ dễ dàng giết hại thú vật lớn, và kẻ quen tay giết hại thú vật lớn sẽ dễ dàng giết hại con người. Thế nên để ngăn chận nghiệp giết người từ ban đầu, chúng ta phải dè dặt đừng xâm phạm tính mạng từng sinh vật nhỏ, quí trọng sự sống của mọi loài nhỏ nhất.
Trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng thường gặp những kẻ giàu sang dư dả, nhưng họ chỉ hưởng thụ qua một đời vô vị mà không biết tạo tác tích lũy thêm căn lành cho đời sau. Những nghiệp thân khẩu ý hàng ngày, dù ít hay nhiều, cũng đều trở thành bất thiện nghiệp. Nói một lời hằn hộc, bực tức một điều gì cũng đều là những bất thiện nghiệp nho nhỏ chất chứa dần dần theo năm tháng. Nếu không có những thiện nghiệp lớn lao để hóa giải, chắc chắn bỏ thân này, chúng ta sẽ đi về một đời sống thấp kém khổ sở hơn.”
(GIẢI ĐÁP THẮC MẮC - TT. THÍCH CHÂN QUANG)